Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và truyền thông các vùng biên giới biển, vùng biển, đảo Việt Nam đến năm 2020. Theo đó đến năm 2020, 100% các xã đảo trên toàn quốc sẽ được cung cấp mạng băng rộng và truyền hình số.
Theo đó, đến năm 2020 sẽ phát triển mạng viễn thông cố định và di động băng rộng, phủ sóng truyền hình số để cung cấp các dịch vụ viễn thông và truyền hình số tới các xã khu vực biên giới biển, các huyện đảo, các vùng biển có bán kính 100 km tính từ bờ. Tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ phát thanh trên biển phục vụ ngư dân. Đến năm 2020, bảo đảm 100% các xã khu vực biên giới biển, các xã đảo có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng và được trang bị hệ thống truyền thanh cơ sở.
Cụ thể, Quy hoạch này nhằm tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông vùng biên giới và biển đảo, cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông và hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho ngư dân biển đảo. Đối với mạng viễn thông công cộng, sẽ phát triển mạng truy nhập băng rộng đến hộ gia đình, mở rộng vùng phủ sóng để cung cấp dịch vụ thông tin băng rộng cho các cá nhân, tổ chức ở mọi nơi, mọi lúc tại các xã biên giới biển, 12 huyện đảo, các đảo có diện tích trên 10km2 và khu vực lân cận. Đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, độ cao ăng ten để mở rộng phạm vi phủ sóng cung cấp dịch vụ thông tin di động tại vùng biển Việt Nam đạt tầm phủ sóng 100km tính từ bờ, các khu neo đậu tầu thuyền, các ngư trường đánh bắt hải sản truyền thống, các vùng biển có hoạt động kinh tế biển…
Theo quy hoạch, người dân vùng biên giới biển, vùng biển đảo được cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ viễn thông cố định, di động và Internet băng rộng tại vùng biên giới biển, các đảo gần bờ, cung cấp dịch vụ thông tin di động tại vùng biển 100 km gần bờ; cung cấp dịch vụ viễn thông qua mạng vệ tinh VSAT cho các huyện đảo, vùng biển, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đồng thời, nhà nước đầu tư phát triển dịch vụ truyền hình cáp, số mặt đất, IPTV tại khu vực biên giới biển; phát triển dịch vụ truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp tại các huyện đảo, xã đảo; phát triển dịch vụ truyền hình di động trên biển; phát triển dịch vụ phát thanh chất lượng cao theo các phương thức FM, sóng ngắn (SW) và sóng trung (MW). Nhà nước cũng hỗ trợ ngư dân các thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị đầu cuối, thiết bị tích hợp lắp trên tàu cá để nhận thông tin thời tiết, dự báo ngư trường từ các trạm bờ gửi ra và gửi các thông tin vị trí tàu cá, tình hình an ninh trên biển về cho trạm bờ; máy thu thanh có độ nhạy cao, máy ICOM liên lạc tầm xa và thiết bị thu xem truyền hình di động vệ tinh kỹ thuật số.
Về phía mình, Tập đoàn VNPT hiện đã đưa mạng băng rộng Internet cáp quang đến 93% số xã trên toàn quốc (trong khi mạng cáp quang của các đối thủ khác kéo đến các xã mới chỉ từ 46% đến 60%). Trong năm 2017, với sự hỗ trợ của quỹ viễn thông công ích, số xã được VNPT kéo cáp quang sẽ lên con số 97%, trong đó 31 số xã khó khăn nhất trong việc kéo cáp quang cũng được VNPT tập trung hoàn thiện xong. Hiện VNPT là nhà mạng có mạng băng rộng cố định mạnh nhất.
Hơn nữa, VNPT cũng là doanh nghiệp duy nhất triển khai cung cấp dịch vụ di động vệ tinh (VinaPhone-S) tại các tỉnh thành trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu liên lạc trên toàn không gian, lãnh thổ Việt Nam. Dịch vụ này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hơn 2 triệu ngư dân đang tham gia khai thác ở những ngư trường xa bờ và các tổ chức tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hải, khai khoáng, dầu khí, du lịch biển đảo, du lịch vùng cao. Bởi đây là dịch vụ thương mại duy nhất hiện nay cho phép ngư dân liên lạc được khi cách bờ biển 30km trở lên.
Để nhiều người dân có nhu cầu có thể tiếp cận với dịch vụ, đặc biệt là đối tượng được hưởng ưu đãi từ chính sách viễn thông công ích, VNPT đã kiến nghị Bộ TT&TT đưa dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ Viễn thông công với mức hỗ trợ 50% giá mua máy điện thoại và 50% mức cước dịch vụ. Việc hỗ trợ dịch vụ không chỉ giúp bà con giữ liên lạc khi ra khơi mà còn góp phần cùng các chính sách khác của nhà nước, khuyến khích ngư dân tăng cường bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Ngoài bà con ngư dân, dịch vụ cũng được lực lượng bộ đội biên phòng đánh giá cao bởi khả năng kết nối thông suốt tới các khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, vùng sâu vùng xa./.
Theo vnpt.vn