- Cloud và AI – sự phát triển ứng dụng trên thế giới trong tình hình khủng hoảng Covid 19
Năm 2020, điện toán đám mây (cloud) trở nên lớn mạnh và đầy cạnh tranh hơn. Xuất phát từ nhu cầu họp trực tuyến và làm việc từ xa tăng đột biến do Covid-19, thị trường này dường như diễn ra sôi động hơn bao giờ hết khi các “ông lớn” công nghệ tích cực mở rộng thị phần, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận định điện toán đám mây sẽ là một phần “xương sống” của họ trên công cuộc số hóa.
Dựa vào báo cáo từ Công ty nghiên cứu và phân tích thị trường Gartner, lĩnh vực cloud toàn cầu đạt 2,278 tỷ USD trong năm 2019 (tăng 17,5% so với năm 2018). Hãng cũng cho biết hơn 1/3 nhà đầu tư sẵn sàng ưu tiên rót vốn vào cloud. Dù chưa có số liệu chính thức nhưng Gartner dự báo điện toán đám mây vẫn sẽ tăng tốc trong năm 2020, ở mức 2,664 tỷ USD.
Có lẽ số liệu trên sẽ diễn ra như dự đoán bất chấp mùa dịch khi tính ứng dụng của “mây” ngày càng phổ biến trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Azure – đơn vị phụ trách điện toán đám mây của Microsoft vừa công bố doanh thu từ khối khách hàng sử dụng cloud đạt 13,4 tỷ USD (tăng 17%) trong quý vừa qua. Trong đó, phần mềm Microsoft Teams – chương trình cho phép họp nhóm trực tuyến, vươn lên mốc hơn 75 triệu người truy cập mỗi ngày kể từ khi mọi người phải làm việc tại nhà (Work From Home).
Chia sẻ trên tờ CNBC, Sentinel One – doanh nghiệp chuyên về an ninh mạng khẳng định, cloud nắm vai trò cốt lõi để giữ vững vị thế công ty trong cả quá trình vận hành lẫn cung cấp dịch vụ cao cấp đến với khách hàng. Họ sử dụng cloud như một phần để ngăn cản sự tấn công dữ liệu từ các hacker và hạn chế những lỗ hổng an ninh mạng.
Trước biến động do dịch bệnh, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là “trợ thủ” kịp thời với nhiều doanh nghiệp nhằm giúp họ giữ vững vị thế trên thị trường, đồng thời là động lực để tìm kiếm thời cơ mới. Hiểu đơn giản, khi AI gắn liền với cấu trúc vận hành về lâu dài sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực về nhân sự, tài chính để công ty có thể tập trung vốn vào khai thác một tiềm năng khác.
Có đơn vị sử dụng AI để gia tăng hài lòng khách hàng qua công cụ chatbot, một đơn vị khác dùng AI như một ứng dụng hiệu quả để quản lý nợ xấu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp dịch vụ tài chính. Ngoài ra, cũng có đơn vị mang AI vào phòng Lab để thúc đẩy quá trình điều chế vaccine chống Covid-19, như cách Học viện Brookings tại Mỹ đang nghiên cứu.
Hoặc như Tempus – một công ty khởi nghiệp (start-up) trong ngành nghiên cứu y học đã tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 dựa trên năng lực sẵn có về AI. Sự thông minh của máy móc giúp họ thu thập dữ liệu từ hàng chục nghìn người mắc dương tính thật, sau đó tập hợp thông tin thành từng nhóm và đề xuất cách điều trị bao quát.
AI còn có khả năng xác định loại thuốc phù hợp với loại bệnh. Từ đó giảm áp lực cho ngành kiểm soát dịch tễ khi đội ngũ y, bác sĩ để chữa trị cho hàng nghìn người mỗi ngày là vô cùng khan hiếm.
Theo công ty nghiên cứu thị trường sResearch and Market, doanh thu của thị trường AI toàn cầu dự kiến nâng mức từ 28,42 tỷ USD vào năm 2019 lên 40,74 tỷ USD vào cuối năm nay. Mức tăng này đã tính toán cả sự biến động thị trường do dịch bệnh.
2. Cloud – Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam “chống dịch”
“Lên mây” là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp Việt Nam bật dậy, phát triển và vươn ra thế giới trong tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều phương thức kinh doanh của nền kinh tế thế giới. Điều này mang đến thách thức buộc phải thay đổi trong doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (CSP), các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) và các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ.
Đặc biệt là tại Việt Nam, đại dịch đi qua trở thành chất-xúc-tác hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi nhận thức và bắt đầu tận dụng tốt các ứng dụng đám mây để vực dậy cả nền kinh tế một cách nhanh chóng.
3. Cloud tiếp tục tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đại dịch Covid.19 làm thay đổi cách giao tiếp giữa người với người, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa doanh nghiệp với đối tác và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Điện toán đám mây nổi lên và đã chứng minh được năng lực vượt trội để trở thành lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn khủng hoảng bởi đại dịch. Đây cũng được coi là phương thức giúp doanh nghiệp chuyển mình trong giai đoạn “bình thường mới” và yên tâm phát triển trong mọi hoàn cảnh, hay những thay đổi điều kiện kinh doanh trên toàn cầu.