I. TỔNG QUAN VỀ GIẢI PHÁP LƯU TRỮ DỮ LIỆU:
Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay và sự phát triển về Big Data, một nhu cầu xuất hiện là việc bảo quản, lưu trữ dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả. Vì lý do đó các công nghệ giải pháp lưu trữ dữ liệu hiện đại ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng.
Do dung lượng lưu trữ càng ngày càng gia tăng, yêu cầu về tốc độ truy xuất và độ ổn định cao, việc lưu trữ dữ liệu rất quan trọng. Lưu trữ dữ liệu không đơn giản là việc cung cấp thiết bị lưu trữ mà bao gồm khả năng quản lý, chia sẻ và phục hồi dữ liệu.
Để lưu trữ dữ liệu có thể dùng nhiều thiết bị, công nghệ khác nhau, tùy yêu cầu thực tế mà thiết bị cho phù hợp. Theo cơ chế lưu trữ, hiện nay có một số loại hình lưu trữ cơ bản sau:
- NAS (Network Attached Storage): lưu trữ dữ liệu vào thiết bị lưu trữ thông qua mạng IP.
- SAN (Storage Area Network): lưu trữ dữ liệu qua mạng lưu trữ chuyên dụng riêng.
- Server: lưu trữ dữ liệu trên server vật lý.
- Cloud: lưu trữ dữ liệu trên hệ thống điện toán đám mây Cloud storage/ cloud backup.
II. ĐÁNH GIÁ ƯU, NHƯỢC ĐIỂM CỦA GIẢI PHÁP LƯU TRỮ DỮ LIỆU:
1. Giải pháp lưu trữ SAN
Định nghĩa: SAN (Storage Area Networking) hay còn gọi là mạng lưu trữ là một mạng chuyên dụng, hoàn toàn tách biệt với các mạng LAN và WAN. Nói chung mạng SAN sẽ nối kết tất cả các tài nguyên liên quan đến lưu trữ trong mạng lại với nhau. Đặc điểm nổi bật trong cấu trúc SAN là nó thường cho tốc độ kết nối dữ liệu cao (Gigabit/sec) giữa các thiết bị lưu trữ ngoại vi, đồng thời cho khả năng mở rộng cao. Mặc dù thường được đề cập đến phần cứng nhiều hơn, SAN còn bao gồm những phần mềm chuyên biệt dùng cho quản lý, giám sát và cấu hình mạng.
SAN sử dụng kênh cáp quang tốc độ cao để truy cập dữ liệu, nhờ đó loại bỏ các giới hạn của giao thức TCP/IP và mạng LAN.
– Một số thiết bị SAN phổ biến hiện nay là: Dell, HP, Lenovo/ IBM…
– Hệ thống SAN được chia làm hai mức: mức vật lý và logic
+ Mức vật lý: mô tả sự liên kết các thành phần của mạng tạo ra một hệ thống lưu trữ đồng nhất và có thể sử dụng đồng thời cho nhiều ứng dụng và người dùng.
+ Mức logic: bao gồm các ứng dụng, các công cụ quản lý và dịch vụ được xây dựng trên nền tảng của các thiết bị lớp vật lý, cung cấp khả năng quản lý hệ thống SAN.
Ưu điểm của hệ thống SAN:
– Lưu trữ được truy cập theo Block qua SCSI,
– Khả năng I/O với tốc độ cao, ảo hóa quy mô lớn bởi nó hỗ trợ xử lý động và nhiều luồng I/O cho máy ảo.
– Tách biệt thiết bị lưu trữ và Server
– Dễ dàng chia sẻ lưu trữ và quản lý thông tin, cho phép nhiều máy chủ cùng chia sẻ một thiết bị lưu trữ.
– Cho phép thay đổi hay nâng cấp máy chủ một cách dễ dàng và dữ liệu không hề ảnh hưởng khi máy chủ bị lỗi.- Có khả năng sao lưu dữ liệu với dung lượng lớn và thường xuyên mà không làm ảnh hưởng đến lưu lượng thông tin trên mạng.
– SAN đặc biệt thích hợp với các ứng dụng cần tốc độ và độ trễ nhỏ.
– Dữ liệu luôn ở mức độ sẵn sàng cao, làm việc trong lĩnh vực chỉnh sửa và chia sẻ nội dung video thì SAN là lựa chọn tốt nhất vì nó có độ trễ thấp và tốc độ truyền dữ liệu cao.
– Dữ liệu được lưu trữ thống nhất, tập trung và có khả năng quản lý cao. Có khả năng khôi phục dữ liệu nếu có xảy ra sự cố.
– Hỗ trợ nhiều giao thức, chuẩn lưu trữ khác nhau như: iSCSI, FCIP, DWDM…
– Có khả năng mở rộng tốt trên cả phương diện số lượng thiết bị, dung lượng hệ thống cũng như khoảng cách vật lý.
Nhược điểm của hệ thống SAN:
– Chi phí đầu tư ban đầu cao,
– Chỉ phù hợp với các doanh nghiệp thương mại điện tử có lượng giao dịch lớn và yêu cầu xử lý I/O đặc biệt cao và độ trễ thấp, phù hợp cho tập đoàn, tổ chức có nhu cầu lưu trữ lớn
– Người cài đặt, quản trị phải có kiến thức sâu.
– Cài đặt phải có sự hỗ trợ của hãng và mất chi phí support.
2. Giải pháp lưu trữ NAS:
Định nghĩa: NAS (Network Attached Storage) là một thiết bị lưu trữ chuyên dụng được kết nối với mạng và cho phép lưu trữ theo tệp. Các tệp trong NAS được lưu trữ trong một hoặc nhiều thiết bị lưu trữ hoặc bằng RAID. NAS sử dụng chủ yếu giao thức CIFS hoặc NFS để giao tiếp, mặc dù cũng hỗ trợ HTTP.
– Bản thân NAS cũng là một node mạng, có địa chỉ IP riêng và kết nối với các thiết bị khác trong cùng mạng. Với đặc tính đó, NAS giúp tăng cường sự cộng tác, người dùng có thể truy cập dữ liệu từ nhiều vị trí khác nhau, kiểm soát truy cập tốt và tăng yếu tố bảo mật dữ liệu.
– NAS hoạt động như một thư mục được chia sẻ và người dùng truy cập nội dung của nó giống như bất kỳ tệp nào khác trên mạng. Tuy nhiên, NAS sử dụng mạng LAN để liên lạc, vì vậy nếu mạng LAN gặp sự cố, NAS sẽ ngừng hoạt động.
– Một số thiết bị NAS phổ biến hiện nay là: Buffalo, Sysnology, Asustor, TerraMaster.
Ưu điểm của hệ thống NAS:
– Dễ dàng thiết lập, chi phí đầu tư thấp.
– NAS là giải pháp lưu trữ và sao lưu không quá tốn kém và dễ quản lý, truy cập
– Phù hợp với quy mô văn phòng hoặc doanh nghiệp nhỏ
– Dễ dàng sao lưu tự động lên cloud hoặc thiết bị lưu trữ tại chỗ. Hầu hết các thiết bị NAS đều có dịch vụ đám mây riêng. Điều này cho phép bạn truy cập dữ liệu từ xa, đồng bộ hóa dữ liệu đó với các thiết bị và internet. Điều này cũng sẽ cho phép bạn chia sẻ dữ liệu với những người khác mà họ không cần phải sở hữu bất kỳ phần cứng hoặc phần mềm nào.
– Dễ dàng quản lý hơn, mất ít thời gian hơn để lưu trữ và khôi phục dữ liệu từ bất kỳ máy tính nào qua mạng cục bộ. Ngay cả khi bạn có nhiều văn phòng và địa điểm di động, dữ liệu của bạn vẫn có thể truy cập được.
– Tính sẵn sàng và dự phòng dữ liệu cao
– Khả năng mở rộng: khi người quản trị cần thêm dung lượng lưu trữ, có thể lắp bổ sung ổ cứng vào thiết bị một cách dễ dàng.
– NAS đi kèm với hệ điều hành đầy đủ chức năng, bao gồm nhiều ứng dụng bổ sung khác. Điều đó có nghĩa là bạn có thể tải xuống các ứng dụng khác nhau có thể mở rộng chức năng của chúng bao gồm giám sát an ninh, quay lại, khôi phục thảm họa, cơ sở dữ liệu thông tin của công ty, v.v.
– NAS dùng hệ điều hành riêng biệt, không phải hệ điều hành phổ biến nên hạn chế được virut mã hóa và ăn cắp dữ liệu. Các công nghệ tiên tiến được áp dụng để thiêt bị NAS luôn bảo mật và sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho người sử dụng.
– Kích thước nhỏ hơn nhiều so với máy chủ, do đó yêu cầu ít năng lượng hơn và dễ dàng di chuyển trong ít không gian hơn so với các máy chủ khác.
Nhược điểm của lưu trữ NAS:
– Một trong những nhược điểm chính của giải pháp lưu trữ NAS là sao lưu dữ liệu tại chỗ. Trong trường hợp thiên tai hoặc lỗi của con người có thể ảnh hưởng đến văn phòng của bạn, nó cũng có thể khiến bạn mất NAS và bất kỳ dữ liệu nào được lưu trữ trong đó. Do vậy nên đặt thiết bị tại các Datacenter để đảm bảo an toàn hoạt động.
– Thiết bị NAS thường có hệ điều hành và tập tin Linux nên khó khôi phục dữ liệu trong trường hợp bị lỗi từ hệ điều hành khác. Chính vì thế, bạn có thể cần sự trợ giúp của chuyên gia trong những trường hợp như vậy. Bạn sẽ cần trả phí cho các dịch vụ này.
– Người dùng muốn sao lưu dữ liệu của họ trên NAS không thể tiến hành trực tiếp vì họ sẽ phải thực hiện thông qua hệ điều hành đã cài đặt.
– Tốc độ truyền dữ liệu phụ thuộc khá nhiều vào mạng LAN, độ trễ hoặc sự cố mất gói tin (packet) có thể xảy ra.
3. Giải pháp lưu trữ trên server vật lý
Định nghĩa: Người quản trị dùng 1 máy chủ vật lý, cài đặt hệ điều hành để lưu trữ dữ liệu. Ứng dụng thường dùng để lưu trữ liệu trên máy chủ là File Sharing Server.
– File Sharing Server là một hệ thống quản lý dữ liệu tập trung, cho phép doanh nghiệp lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung trên server đó. Từ server người quản trị phân quyền truy cập và sử dụng dữ liệu cho từng nhân viên, từng phòng ban. Hệ thống File Sharing Server thường được dùng phổ biến trong các doanh nghiệp.
Ưu điểm của lưu trữ trên server vật lý:
– Dễ lắp đặt, chi phí thấp, hiệu năng cao.
– Tận dụng được thiết bị máy chủ vật lý và các linh kiện hiện có
– Dễ quản trị và phân quyền.
Nhược điểm của lưu trữ trên server vật lý:
– Hư hỏng linh kiện máy chủ vật lý nói chung, ví dụ hư mainboard, hỏng RAM, hỏng nguồn. Đặc biệt là hư hỏng đĩa cứng: đây là vấn đề quan trọng nhất của an toàn dữ liệu. Nếu các linh kiện khác có thể thay thế, thì đĩa cứng là nơi lưu trữ dữ liệu lại không thể thay thế. Vì vậy, trong các máy chủ vật lý, cơ chế RAID được sinh ra để dữ liệu được lưu trữ đồng thời trên nhiều đĩa cứng vật lý của một máy chủ, phòng trừ trường hợp hỏng 1 hoặc vài đĩa cứng, dữ liệu vẫn bảo đảm an toàn.
– Khả năng mở rộng hạn chế do giới hạn số lượng khe cắm ổ nếu nhu cầu mở rộng lớn.
– Việc truy cập vào ổ đĩa sẽ bị chậm khi hệ điều hành quá tải.
4. Giải pháp lưu trữ dữ liệu trên Cloud – Điện toán đám mây
Đinh nghĩa: là một hình thức sử dụng dịch vụ của một nhà cung cấp nào đó cho phép người dùng dịch vụ của họ có thể lưu giữ, quản lý, chia sẽ và backup dữ liệu của họ từ xa. Dịch vụ này cho phép người dùng có thể truy cập tập tin ấy bất cứ lúc nào, miễn là có truy cập internet. Dữ liệu của bạn được lưu trên server của nhà cung cấp đó và bạn sẽ sử dụng một ứng dụng desktop hoặc ứng dụng web online của họ để truy xuất đến dữ liệu của mình.
– Hiện nay, các nhà cung cấp hạ tầng cloud có 2 giải pháp dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên đám mây là Cloud storage và Cloud backup.
+ Cloud Storage: được truy cập qua internet, lưu trữ dữ liệu trong một trung tâm ngoại vi từ xa. Phần lớn các dịch vụ có giao diện web để bạn tải tệp lên, điều này không an toàn vì dữ liệu trong lúc truyền không được mã hóa. Một số nhà cung cấp cũng không có công cụ đồng bộ hóa các tệp giữa máy tính của bạn và dịch vụ của họ. Hơn nữa, lưu trữ đám mây chỉ các tệp và thư mục có thể được lưu trữ, do đó không có dữ liệu ứng dụng. Một số nhà cung cấp dịch vụ này như: Dropbox, Google Drive, iCloud và Onedrive…Lưu trữ đám mây (cloud storage) là một cách tuyệt vời để chia sẻ tài liệu. Tuy nhiên, đây không phải là nơi để sao lưu các ứng dụng và tài liệu quan trọng trong kinh doanh.
+ Cloud Backup: Sao lưu đám mây (cloud backup) là một ứng dụng dựa trên đám mây, cung cấp cho bạn khả năng tự động sao lưu các tệp, ứng dụng, máy ảo, máy chủ và lưu trữ. Sao lưu đám mây thường thường chạy theo lịch trình nhiều lần hàng ngày hoặc tự động. Đồng bộ đám mây rất hữu ích trong việc cho phép chia sẻ file trên nhiều thiết bị với nhiều người dùng, rất phù hợp cho làm việc theo nhóm và chia sẻ dự án. Ngoài ra, dữ liệu lưu trữ được mã hóa bằng các chuẩn mã hóa mới nhất AES 256, DES 64, RC2 128,..đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.
Ưu điểm của lưu trữ trên cloud
Có thể khẳng định đây là giải pháp lưu trữ liệu có tính sẵn sàng cao, khả năng mở rộng và an toàn dữ liệu ở mức cao nhất, nhờ các ứng dụng ưu điểm công nghệ điện toán đám mây.
– Tiết kiệm chi phí: Doanh nghiệp chỉ cần chi trả cho những không gian lưu trữ mình sử dụng. Đồng thời, bạn cũng không cần bỏ nhiều chi phí để mua ổ cứng, phần cứng,…
– Người dùng có thể dễ dàng kéo và thả các tệp trong bộ nhớ đám mây. Thật dễ dàng để lưu tất cả các tệp và dữ liệu trong đám mây mà không cần phải có kiến thức chuyên môn cao về công nghệ. Các tập tin được lưu trữ có thể dễ dàng truy cập từ bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ với một vài cú nhấp chuột và kết nối internet.
– Dữ liệu được lưu trữ trên đám mây sẽ được bảo vệ an toàn trước mọi loại lỗi phần cứng. Các dịch vụ lưu trữ đám mây cũng cung cấp khả năng backup để đảm bảo dữ liệu của bạn an toàn.
– Lưu trữ đám mây cho phép mở rộng theo cả chiều ngang và chiều dọc, bạn chỉ cần chi trả cho các tài nguyên đã sử dụng là được. Bạn có thể mở rộng quy mô môi trường lưu trữ đám mây của mình bất cứ khi nào có nhu cầu, xác định các thuộc tính, cấu hình của quy mô đám mây theo mong muốn. Điều này đảm bảo được không gian lưu trữ lớn với tính linh hoạt cao.
– Khi sử dụng lưu trữ trên máy chủ vật lý, bạn chỉ có thể truy cập dữ liệu từ một vị trí nhất định. Với lưu trữ đám mây, dữ liệu có thể được truy cập từ tất cả các thiết bị như PC hoặc điện thoại thông minh. Bạn có thể truy cập tệp và đồng bộ hóa dữ liệu dễ dàng với bất kỳ thiết bị nào thông qua kết nối internet. Do đó bạn không cần phải lo lắng về việc chuyển các tài liệu từ thiết bị này sang thiết bị khác một cách thủ công và phức tạp nữa. Ngoài ra, các tệp được lưu trữ trên đám mây vẫn được giữ nguyên trên tất cả các thiết bị và chúng sẽ tự động cập nhập nếu có bất kỳ thay đổi nào.
– Lưu trữ trên đám mây cũng là một nền tảng lý tưởng cho mục đích hợp tác. Môi trường đám mây cho phép nhiều người truy cập, chỉnh sửa và cộng tác trên một tệp hoặc tài liệu. Mọi người có thể truy cập vào môi trường đám mây từ bất cứ nơi nào trên thế giới và cộng tác trong thời gian thực. Giúp bạn quản lý thông tin dễ dàng với các tính năng phân quyền, chia sẻ dữ liệu nội bộ, cá nhân, quản trị thành viên.
– Ngay cả khi bạn lưu trữ dữ liệu trên các thiết bị có thể di chuyển được như ổ cứng ngoài hoặc ổ flash, thì bạn vẫn phải thao tác thủ công và đối mặt với những vấn đề hỏng hóc vật lý. Dữ liệu được lưu trữ trên đám mây được sao lưu trực tuyến và được truy cập từ bất cứ đâu. Dữ liệu luôn được lưu tự động khi được tải lên đám mây. Bạn không cần phải lưu, gắn nhãn hoặc theo dõi các dữ liệu này. Sự tiện lợi của lưu trữ đám mây trực tuyến cho phép bạn hoàn toàn tập trung vào công việc khác của mình mà không bị lo lắng về việc mất dữ liệu.
Nhược điểm của lưu trữ trên cloud:
– Nếu mất mạng Internet tại thiết bị sử dụng thì người dùng không đồng bộ được dữ liệu lên máy chủ cloud.
III. KẾT LUẬN:
– Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể cài đặt cả hai hệ thống để đáp ứng các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp. Ví dụ, bạn cần NAS để lưu trữ và truy cập tệp, còn SAN để ảo hóa hoặc cho các trường hợp sử dụng khác. Từ đó sẽ tận dụng được lợi thế của mỗi loại. Tích hợp cả NAS và SAN để tạo ra một bộ lưu trữ hợp nhất. Bộ nhớ này sử dụng nhiều giao thức như NFS, SMB, kênh sợi quang và SCSI để đảm bảo tính linh hoạt cao, khả năng mở rộng và khả năng thích ứng. Bằng cách này, cùng một bộ nhớ vật lý có thể phân bổ cho cả SAN hoặc NAS tùy theo yêu cầu sử dụng. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ phù hợp cho các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lưu trữ lơn, dự trù kinh phí triển khai, mở rộng, nhất là các doanh nghiệp đòi hỏi cao về mặt xử lý dữ liệu như truyền hình, ngân hàng,…
– Nhìn chung lưu trữ đám mây mang lại lợi ích nhiều hơn. Nếu biết cách sử dụng cẩn thận và chính xác với nhu cầu của mình thì đúng là một bước tiến lớn của công nghệ trong cuộc sống và công việc. Sự chuyển dịch công nghệ và ứng dụng công nghệ đang ngày một rộng rãi như hiện nay là một tất yếu. Có nghĩa là cho dù bạn có muốn hay không, có biết về nó hay không thì sớm muộn gì nó cũng sẽ cuốn bạn đi với một tốc độ được tính theo giây. Vậy thì cách tốt nhất là nắm bắt lấy nó càng nhanh càng tốt bởi chắc chắn bạn sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những công nghệ tuyệt vời này!
Để được tư vấn, hỗ trợ lựa chọn giải pháp lưu trữ dữ liệu tối ưu nhất cho tổ chức/ doanh nghiệp của bạn, vui lòng liên hệ với đội ngũ của chúng tôi qua hotline 0913 399 913 hoặc 0888 541 999/ 02437 335 999.
Trân trọng cảm ơn và hân hạnh được phục vụ!